Có rất nhiều loại dụng cụ đo kiểm tra được sử dụng khi tháo lắp ô tô. Sau đây là một số loại dụng cụ cơ bản để đo kiểm tra.
1. Thước lá:
Dùng để đo các dạng khe hở như khe hở xéc măng, khe hở nhiệt xu páp, khe hở giữa các bánh răng… Trên mỗi lá đều ghi độ dày của chúng, ta có thể sử dụng kết hợp các lá với nhau.
2. Thước cặp:
Dùng để đo chiều dài, chiều sâu, đường kính ngoài, đường kính trong. Độ chính xác phép đo tùy thuộc vào loại thước cặp. Chủ yếu chúng ta dùng 2 loại là loại độ chính xác 0,05mm (1/20) và độ chính xác là 0,02 mm (1/50).
Cách đọc:
– Khi đo xem vạch “0” của du xích ở vị trí nào của thước chính, ta đọc được phần nguyên của kích thước ở trên thước chính
– Xem vạch nào của du xích trùng với vạch của thước chính ta đọc được phần lẻ của kích thước ở trên du xích
3. Panme:
Pan me là dụng cụ đo chính xác (độ chính xác 0,01mm), tính vạn năng kém (phải chế tạo từng loại Panme đo trong, đo ngoài , đo sâu), phạm vi đo hẹp khoảng 25mm. Panme có nhiều cỡ : 0-25, 25-50, 50-75, 75-100, 100-125, 125-150…
Cách đọc:
– Đọc giá trị đo đến 0.5 mm: đọc giá trị lớn nhất mà có thể nhìn thấy được trên thang đo của thân panme.
(A) – Ví dụ trên hình vẽ là: 55.5 (mm)
– Đọc giá trị đo từ 0.01 mm đến 0.5 mm: đọc tại điểm mà thang đo trên ống xoay và đường chuẩn trên thân panme trùng nhau
(B) – Ví dụ trên hình vẽ là: 0.45 mm
–> Giá trị đo là: 55.5 + 0.45 = 55.95 mm
– Trong trường hợp không có vạch nào trùng nhau ta có thể lấy vạch trùng nhất để làm kết quả đo (độ sai lệch kết quả đo của panme là 1 vạch tương ứng là 0.01 mm)
4. Đồng hồ so:
Là dụng cụ đo chính xác 0.01 – 0.001mm thậm chí đồng hồ điện tử còn chính xác hơn. Đồng hồ so dùng nhiều trong kiểm tra sai lệch hình dạng hình học như độ côn, độ thẳng, độ song song vuông góc, độ không đồng trục. Nó được ứng dụng rất nhiều trong công việc đo kiểm các chi tiết cơ khí của động cơ.
Khi sử dụng đồng hồ so trước hết phải gá lên giá đỡ, tùy theo yêu cầu công việc đo kiểm sau đó chỉnh cho dầu đo tiếp xúc với vật cần đo
Điều chỉnh mặt số lớn cho kim đúng vị trí số 0. Di chuyển đồng hồ so tiếp xúc suốt với bề mặt cần kiểm tra. Chuyển động lên xuống của đầu đo được biến thành chuyển động quay của kim chỉ ngắn và dài, 1 vạch đo kim chỉ dài tương ứng là 0.01 mm, một vạch đo kim chỉ ngắn tương ứng là 1mm
5. Dây đo nhựa:
Được dung để đo khe hở dầu của những vùng được bắt chặt bằng các nắp, như cổ trục khuỷu vầ cổ biên. Dây đo nhựa được làm bằng nhựa mềm, có 3 màu mỗi màu cho biết dải chiều dày có thể đo khác nhau
– Màu xanh lá cây: 0.025 ~ 0.076 mm
– Màu đỏ: 0.051 ~ 0.152 mm
– Màu xanh da trời: 0.102 ~ 0.229 mm
Cách đo:
– Lau sạch cổ biên và bạc
– Cắt một đoạn dây đo nhựa có chiều rộng bằng với bạc
– Đặt dây đo nhựa lên trên cổ biên như hình vẽ
– Đặt nắp bạc lên trên cổ biên và xiết chặt nó với momen xiết tiêu chuẩn, không xoay trục khuỷu
– Tháo nắp bạc và dùng thước trên vỏ dây đo nhựa để xác định chiều dày của dây đo nhựa đã bị ép lại. Qua việc so sánh độ dày của dây đo nhựa với dưỡng đo trên thước.