Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, số lao động nghỉ việc, giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quý 2/2023 khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước.
Lao động bị mất việc trong thời gian này là 217.800 người, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, tập trung phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM; Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn bị cắt giảm đơn hàng kéo dài từ quý 4/2022 đến nay, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm. Số lao động này có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức. Điều này cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa bền vững.
Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động trong nước thời gian qua là do nền kinh tế thế giới suy thoái, lãi suất tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp. Hàng hóa tiêu thụ chậm, bắt buộc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải cắt giảm nhân công lao động hoặc giảm giờ làm của người lao động. Ngoài ra, lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao; Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo…
Những dẫn chứng cho thấy, thị trường lao động, việc làm trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; Đà phục hồi và khởi sắc của thị trường lao động cũng chậm lại; Dự báo về triển vọng nửa cuối năm không mấy lạc quan, người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Biến động thị trường lao động
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý II/2023, có 5 ngành tăng số người làm việc là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 106 nghìn người; Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 53 nghìn người; Hoạt động hành chính và hỗ trợ dịch vụ, tăng 33 nghìn người; Nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 32 nghìn người…
Tuy nhiên, 5 ngành lại giảm nhiều người lao động, dẫn đầu là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm nhiều nhất với 189 nghìn người; Xây dựng giảm 42 nghìn người. Tiếp đến là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, với mức giảm lần lượt là 24 nghìn người, 13 nghìn người và 1 nghìn người.
Thị trường lao động ghi nhận 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất là: Thông tin và truyền thông; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Hoạt động dịch vụ khác; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Trong khi đó, 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhiều nhất là Kế toán; Nhân viên hành chính, văn phòng; Kỹ sư IT – phần mềm; Dịch vụ khách hàng; Quảng cáo, marketing. 5 nhóm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất là môi giới bất động sản, dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.
Về phía người lao động, cần đề cao tính kỷ luật, kỷ cương cũng như tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp hạ được chi phí nhưng vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu để tăng trưởng sản xuất, có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh tốt hơn; Người lao động cũng cần tích cực chủ động trong việc đào tạo nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công việc, tích cực tham gia các lớp đào tạo để chuyển hướng tìm kiếm công việc ở những ngành nghề phù hợp, đặc biệt là những người đang bị giãn việc, hoãn việc. Điều này này rất quan trọng để có thể thích ứng được với thị trường lao động năng động hơn và có chất lượng cao hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Trường giám đốc trung tâm đào tạo EAC cho biết: “Trung tâm đào tạo nghề của chúng tôi được đặt gần ngay khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tỉ lệ công nhân trong các khu công nghiệp chủ yếu là tốt nghiệp trung học phổ thông chưa được qua đào tạo nghề. Khi đi làm các bạn ấy mất rất nhiều thời gian cho công việc ở công ty nên chỉ có những bạn thực sự quyết tâm và có tầm nhìn mới sẵn sàng vừa học thêm nghề vừa làm việc ở công ty để đề phòng rủi ro và cũng tự tạo ra cho mình một cơ hội mới và cũng được nâng cấp bản thân”.
Đây là một hướng đi tham khảo khá hay cho các bạn công nhân hoặc ngay cả những bạn đang bị thất nghiệp.