Ô tô điện ngày càng phổ biến nhờ tính thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế. Hệ thống cảm biến, đặc biệt là các cảm biến phanh và áp suất lốp, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu suất. Nghiên cứu về các cảm biến này giúp hiểu rõ hơn về hoạt động và tầm quan trọng của chúng.
Xem ngay: Khoá học sửa chữa ô tô điện – ô tô Hybrid chuyên sâu
1. Cảm biến áp suất lốp xe (TPMS-Tire Pressure Monitoring System)
Cảm biến này liên tục gửi về IBU-receiver thông tin áp suất và nhiệt độ bên trong bánh xe để cảnh báo cho người lái về những thay đổi áp suất lốp có thể ảnh hưởng đến điều kiện lái xe.
Cảm biến này được tích hợp trong van cảm biến gắn trong lốp xe. Nguyên lý hoạt động dựa trên phương pháp vật lý về sức căng bề mặt màng do áp suất bên trong lốp tác động lên, từ đó mạch điện cảm biến sẽ khuếch đại tín hiệu và gửi đến IBU- receiver thông qua mạng không dây RF- Radio Frequency.
2. Cảm biến áp suất dầu phanh:
Cảm biến này theo dõi áp suất dầu phanh bên trong đường ống thủy lực giúp cho ECU bên trong bộ điều khiển phanh tích hợp (IEB) nắm được tình trạng phanh và dựa vào đó ECU cũng có thể điều khiển các hệ thống khác như ABS và ESC.
3. Cảm biến mức dầu phanh:
Cảm biến này theo dõi lượng dầu phanh còn trong bình để đưa ra các cảnh báo về an toàn hệ thống phanh
4. Cảm biến hành trình bàn đạp phanh (Pedal Travel Sensor – PTS)
Cảm biến hành trình phanh đo mức đạp phanh của tài xế sau đó gửi về các bộ điều khiển thông qua tín hiệu điện áp.
5. Công tắc đèn phanh (Stop lamp switch):
Công tắc đèn phanh là một bộ phận nhỏ được lắp trên bàn đạp phanh, có chức năng kích hoạt đèn phanh ô tô.
Các chân của công tắc đèn phanh
Terminal | Information | Terminal | Information |
1 | IGN1 | 4 | B+ |
2 | BS | 5 | BLS |
3 | – | 6 | GND |
Khi được nhấn bàn đạp phanh, tín hiệu BLS được kết nối với nguồn điện riêng của xe B+ (từ ắc quy), tín hiệu này sẽ được hệ thống IPS tiếp nhận và đồng thời IPS bật đèn phanh.
Tín hiệu BS là tín hiệu xác định tín hiệu BLS có hoạt động bình thường hay không. Tín hiệu này hoạt động đối lập với tín hiệu BLS, nghĩa là BLS đóng thì BS mở và ngược lại. dựa vào nguyên lý hoạt động đã nêu trên, ABS sẽ nhận biết được tín hiệu BLS có bị lỗi hay không, nếu có lỗi, mã lỗi sẽ được lưu trong hệ thống VCU.
6. Cảm biến tốc độ bánh xe:
Đo được tốc độ của bánh xe trong mọi thời điểm và gửi về các bộ điều khiển như ECU hoặc VCU, riêng trong hệ thống phanh cảm biến này gửi tín hiệu điện áp về ECU để ECU biết được tốc độ của xe và so sánh tính ra được độ trượt của bánh xe để điều khiển các cơ cấu chấp hành của hệ thống như ABS, ESC.
Tín hiệu của cảm biến tốc độ bánh xe được tạo ra bởi cuộn dây trong cảm biến và đĩa răng được gắn trên may ơ ô tô. Khi bánh xe lăn, kéo theo đĩa răng quay theo làm thay đổi khe hở không khí giữa đĩa và cuộn dây trong cảm biến. Sự thay đổi khe hở làm tăng giảm từ trường xuyên qua lõi và sinh ra một điện áp AC trong cuộn dây cảm biến, tín hiệu này sẽ được gửi về ECU dưới dạng sóng, từ đó ECU của IEB sẽ xác định được tốc độ của từng bánh xe.